Thứ Ba, 2 tháng 6, 2009
Miền Tây Nam Bộ
Rõ ràng tiếng Việt trở nên phong phú hơn, mà về mặt ngữ âm, cách kết hợp này khiến cho tiếng nói miền Nam mềm mại và ngân nga, phù hợp với phong thổ “đồng rộng sông dài”. Đất đồng bằng, cứ thong thả đi, thong thả nói, không trèo đèo vượt núi thì mắc gì phải phát ra từng tiếng cộc lốc nặng nề? Với lại đồng rộng, gió thổi xa, tiếng người ngân nga, thì cứ chọn âm điệu êm tai mà nói cho dễ nghe. Như Vương Hồng Sển nói về quê xứ Đại Ngãi của ông: vốn là Đại Nghĩa, nhưng sông rộng gió dài, âm chữ Nghĩa ngân thành Nghĩaĩaĩa…ĩa…ĩa…ĩa… nghe không được sạch sẽ thanh tao lắm. Đổi thành Ngãi, âm Ngãi…ãi…ãi…ãi…. nghe như hát bội, nhưng Vương Hồng Sển mê hát bội, như đa số dân miền Nam cùng thời, nên chuộng Ngãi hơn Nghĩa.
Cụm từ “sông nước miền nam” cũng từng bị bắt bẻ: sông tất có nước! Nhưng không phải vì không thể nói “sông núi miền Nam” (Bảy Núi thiếu gì núi) mà nói thành sông nước. Cũng không phải tránh tiếng sông cộc lốc mà đệm thêm tiếng nước cho dễ ngân nga. Sông và nước là hai thực thể làm nên sinh thái và văn minh xứ này. Sông là sông, nhưng còn có rạch, kinh, mương, tắc, xẻo, vũng, đầm, ao, hầm… Nước đâu chỉ lớn ròng, còn nước nổi, nước đứng, nước rút, nước giựt, nước chạy, rồi nước liếm, nước nhả, nước lợ, nước phèn, nước bạc, nước chan đồng… Nước ở đây đã vượt khỏi phạm trù sông, như thực tế sông nước xứ này.
Ngồi tàu cao tốc đi Cần Thơ tôi nghe anh hướng dẫn viên diễn giải cho mấy người nước ngoài về sông nước miền Nam, có chỗ nghe mắc cười quá, nhưng ráng nhịn. Anh ta nói nước gồm có nước mưa trên trời rớt xuống (nhiều lắm, mưa ròng rã sáu bảy tháng một năm). Hồi trước anh không để ý, vì nước mưa rơi xuống đất trôi đi mất, đến mấy năm gần đây, mỗi lần mưa là thành phố ngập nước, anh mới biết là mưa có nhiều nước nhiều lắm! Lại còn nước bên Campuchia tràn qua (xứ đó cao hơn xứ này, bên đó mưa là đồng ruộng vùng biên giới bên nây ngập nước!) Rồi còn nước biển nữa chứ! Sông Cái Lớn chẳng hạn, là con sông đặc biệt không tích lũy nước các ngòi, các suối trên núi đem ra biển, mà là đường nước biển chảy vào đồng!
Anh hướng dẫn viên này trông như Hắc công tử (Thực ra tôi không biết mặt mũi Hắc công tử, nhưng có lẽ hao hao như anh này, đen đen, cổ đeo dây chuyền, mặc áo quần giầy nón đều còn nguyên nhãn hiệu nổi tiếng.) Một ông khách móc bản đồ ra hỏi sông Cái Lớn là sông nào, và tàu chúng ta đang ở đâu. Hắc công tử bèn xoay tới xoay lui tấm bản đồ, thao thao giảng giải về các hệ thống sông rạch miền Nam. Phải nhìn nhận là ngồi ở đuôi tàu cao tốc máy nổ ầm ầm, gió thổi ù ù mà tìm vị trí con sông trên tấm bản đồ cứ bị gió lật là nhiệm vụ bất khả thi.
Tôi nghe loáng thoáng trong gió tiếng Hắc công tử rằng: các con sông chảy theo hướng Tây sang Đông, chúng ta đi về miền Tây nên đi từ Bắc xuống Nam (?!), phải băng ngang các con sông: Sài Gòn, Vàm Cỏ, sông Tiền, sông Hậu. Hiện giờ Tàu đã qua khỏi Mũi Đèn Đỏ là chỗ các sông Đồng Nai, sông Nhà Bè, và sông Sài Gòn gặp nhau. (Anh thuyết trình một đoạn suôn sẻ về tên gọi Nhà Bè với truyền thuyết Thủ Huồng) Nếu đi thẳng, như tàu cánh ngầm kia, thì sẽ ra Cần Giờ tới biển, đi Vũng Tàu. Còn tàu chúng ta thì rẻ vô Tắc Sông Chà ra sông Soài Rạp. Hầu hết các ông Tây đều đinh ninh mình đang đi trên sông Mekong vì tưởng là tất cả sông rạch miền Nam đều thuộc hệ thống sông Mekong. Hắc công tử gân cổ đính chánh là có đến 3 hệ thống sông lận: sông Đồng Nai, sông Vàm Cỏ, rồi mới đến sông Cửu Long. Ông Tây ừ à “I see, I see”, nhưng rõ là ông không phân biệt được gì cả, bèn cất tấm bản đồ vô túi.
Làm hướng dẫn viên thiệt khổ. Hắc công tử chưa kịp thở thì bà Tây hỏi ngây ngô một cách chí lí: Thế làm sao chúng ta đi từ hệ thống sông này đến sông kia? Rất dễ : có vô số kinh rạch nối các hệ thống sông này. Một con kinh ngắn nối thẳng hai con sông gọi là tắc, tàu chúng ta đang chạy trên tắc, thấy rõ mật độ giao thông tấp nập, nào xà lan, tàu hàng, ghe buôn, thuyền lớn thuyền nhỏ… Từ Sài Gòn về Cần Thơ sẽ qua các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long. Đi đường bộ thì không cần qua Bến Tre, nhưng đi đường sông thì đoạn qua Bến tre là thú vị nhứt: nhìn hai bên bờ vườn cây xanh tốt, ngọn dừa cao ngất, bờ sông có đoạn xây kè đá, nhà cửa đẹp đẽ.
Đường sông qua Bến Tre là kinh Chợ Lách, đoạn qua Tiền Giang là kinh Chợ Gạo, đoạn qua Long An là kinh Tẻ, đoạn qua Vĩnh Long là sông Măng Thít. Hắc công tử nói sao tôi ghi vậy, tôi mới đi lần đầu, mà dọc bờ sông chẳng thấy gắn bảng tên như trên đường bộ. Chỉ khi tàu giảm tốc độ đi qua vùng thị tứ, như Chợ Gạo, Chợ Lách, đọc loáng thoáng địa danh trên các bảng hiệu hàng quán trên bờ. Tôi chỉ có thể phân biệt “sông” với “kinh”: khi vô tới kinh thì thấy thấy các xà lan cát đá nối đuôi nhau, trông như những xe tải nối đuôi trên quốc lộ 1A, vì lòng kinh hẹp và thẳng. So với những xà lan đó, tàu cao tốc chỉ là chiếc xe gắn máy, lượn lách hình chử S qua các xà lan, phóng vèo vèo trước con mắt căm ghét của những người chèo thuyền phải nhồi lên hụp xuống trên những lượn sóng sau đuôi tàu.
Ngoài sông rộng mênh mông, những chiếc xà lan trông nhỏ xíu, rải rác trên mặt bằng quá rộng nên không gây ấn tượng tấp nập như trong kinh. Đôi khi cũng gặp ghe chở nhiên liệu (có bảng to ghi cấm lửa), ghe chở cừ tràm, lu sành, đồ gốm sứ, dừa, chuối, cây giống, lúa… nhưng áp đảo là những xà lan chở cát, đá xanh, và xi măng. (Nghe nói các đại gia cá ba sa bị phá sản đã xoay ra sắm xà lan chở hàng). Tưởng suy thoái kinh tế ảnh hưởng các công trình xây dựng, hóa ra cát, đá, xi măng vẫn là hàng hóa vận chuyển chính trên đường sông. Hắc công tử nói: thì bị kinh tế suy thoái mới có cảnh tàu ghe thưa thớt như vầy, chứ không thôi cũng bị … kẹt tàu.
Sở dĩ tôi đi tàu cao tốc là vì muốn tránh cảnh kẹt xe kẹt phà khi đi xe hơi. Kể ra cũng nhanh: 4 giờ đồng hồ phom phom trên sông nước. May là không bị kẹt tàu. May nữa là đi chung chuyến với anh hướng dẫn viên không biết tên, gọi đại Hắc công tử chắc anh không giận. Tuy nhiên, tôi phải thòng một câu là những gì ảnh nói ảnh chịu trách nhiệm. Tôi kiếm mỏi mắt mà không thấy hãng tàu công bố thông tin nào về lộ trình hay hải trình, hay những điều thú vị đáng bỏ 200.000 đồng để làm một chuyến đi về miền Tây bằng đường thủy. Hèn gì, từ lịch hai chuyến một ngày ban đầu, bây giờ tàu chỉ chạy một chuyến hai ngày! Rất có thể tương lai chỉ còn mỗi chuyến một tuần hoặc … dẹp luôn. Cho nên ai chưa đi thì liệu mà kiếm cớ gì đó đi miền Tây lẹ lẹ, bằng đường thủy!
Lý Lan
(bài đăng báo Sài Gòn Giải Phóng Thứ Bảy)
Thứ Năm, 30 tháng 4, 2009
Thứ Tư, 29 tháng 4, 2009
Giấc mơ và cuộc đời
Má nó nghe buồn, bán xôi gà dãi nắng dầm mưa, suốt ngày long đong ngoài đường phố, vui sướng gì hả con ơi ?
Bà nội nó nghe buồn, cứ ước trong nhà có đứa làm bác sỹ, không thì làm thầy giáo cũng được, ra đường trẻ nít nó kêu thầy ơi thầy à không oai sao ?
Ba nó nghe buồn, đời ba lắt xắt bán buôn, mong có con cho làm cán bộ nhà nước, giàu thì chưa biết, nhưng chắc chắn là sống ổn định, không lo bữa no bữa đói.
Đứa trẻ chín tuổi, không hiểu tại sao người lớn lại tiu nghỉu khi nghe dự định của nó. Với nó, mọi mơ ước đều bình đẳng với nhau, vui như nhau, không phân biệt thấp cao. Bạn nó có đứa thích lái máy bay bay lên trời. Có đứa đòi tham gia đội đặc nhiệm siêu nhân. Có đứa thích làm công an bắt cướp. Nó chọn bán xôi gà vì công an, phi công, hay siêu nhân gì thì xong việc rồi cũng muốn ăn xôi gà.
Cũng may là có bà ngoại là vỗ tay cười mừng, bà nói cháu bà mơ ước bán cá bán rau bà cũng vui. Ước mơ tự bản thân nó đẹp rồi, không có ước mơ xấu, lại càng không có ước mơ sang, ước mơ hèn. Bán xôi gà, hay làm giám đốc ngân hàng thì cũng hồn hậu đáng quý như nhau khi chúng vẫn còn nằm trên mảnh đất mang tên mơ ước. Bán xôi gà cũng có cái hạnh phúc đặc biệt của bán xôi gà, bà ngoại nói tỉnh bơ.
...
Ngoại nói hay ho như trên báo, dù vậy, cả nhà vẫn buồn. Họ hy vọng thời gian sẽ làm thằng nhỏ thay đổi ước mơ, trẻ con vội thèm mau chán mà. Và một bữa nhân dịp nép bên lề nhường đường cho đoàn xe công vụ có còi hụ đi qua, thằng nhỏ nói lớn lên con muốn làm bộ trưởng, làm bộ trưởng oai thiệt oai như cái bác ngồi trong xe kia.
Lần này thì cả bà ngoại cũng buồn, bà ngoại sợ thằng cháu theo đuổi tận cùng hiện thực hóa ước mơ đó, nó sẽ làm ảnh hưởng, biến chuyển số phận của hàng trăm, triệu con người. Một chữ ký, một cái phẩy tay, một lời nói lơ đãng vô tình, một sơ sót nhỏ của nó cũng làm vất vơ ngơ ngác một đám đông. Họ sướng thì không nói gì, nhưng nhiều khi thằng cháu bà làm họ khổ…
Bà ngoại hy vọng nó lại quên mau, để mà ước mơ giản dị như năm trước.
Thứ Ba, 17 tháng 3, 2009
Entry for March 16, 2009
Một bài báo nhìn bàng quan không có gì đặc biệt cho lắm, nhưng với tôi thì lại rất đặc biệt. Bởi một lẽ đơn giản thứ nhất, nhân vật được nói đến trong bài, chính là bà nội tôi. Bởi một lẽ đơn giản thứ hai, tác giả chính là người bác đầy kính mến của tôi. Lại bởi lẽ đơn giản thứ ba, tôi từng nghe bác kể nhiều lần không khác gì nội dung bài báo này; nên tuy chỉ là bút danh, nhưng tôi mường tượng ra ngay trước mắt những gì bác kể!
Chỉ riêng việc nội tôi đã sinh đến 12 người con, trong một bối cảnh chăm sóc y tế lạc hậu của nhiều chục năm trước, cũng đã là biết bao công khó mà thời nay không thể nào tưởng tượng nổi. 17 năm dài chống chọi lại bệnh tiểu đường cũng là một nghị lực phi thường khi phải thường trực một chế độ kiêng khem khắc nghiệt với thật ít cơm, và nhiều thuốc tây. Nhiều lần chứng kiến ba tôi tự dày vò bản thân vì bất lực khi nội tôi vướng phải căn bệnh ngặt nghèo, tôi biết tấm tình của ông yêu thương bà vô hạn. Một người tư duy sâu sắc và ít biểu lộ cảm xúc như ông, thì niềm đau càng nhân lên nữa. Những lúc ấy tôi cũng thấy mình bất lực và vô dụng, chỉ biết đành nhìn ông ngồi bất động trong bóng tối. Hàng giờ!
Cảm ơn bác tôi đã dành cho ba tôi, các cô chú và chúng tôi một món quà cảm động. Bác đã cùng chia sẻ với ba tôi một thời thơ ấu, và trong ký ức tuổi thơ tôi cũng có dấu ấn của bác.
Đêm hôm đó nhận được tin bà cố tôi mất, đây là bà ngoại của ba tôi, hay chính là mẹ của bà nội tôi. Tàu xe giai đoạn ấy rất hiếm, và không chạy đêm. Tôi theo ba tôi ra bến Bình Đông xuôi ghe dọc dòng kênh đôi về quê thọ tang. Nước ròng nên ghe đậu cách bờ một quãng xa. Một tấm ván từ trên bến dốc dài xuống ghe cho khách đi. Bác nắm tay dẫn tôi đi, tấm ván võng xuống theo nhịp bước của hàng người, lòng sông trơ đáy bùn đen sâu hoắm. Tôi rất sợ nên khi vừa gần đến mép ghe lấy sức nhảy một bước dài, nhưng khi đã nhảy khỏi ván, tôi hiểu rằng ghe vẫn còn …xa!
Vừa may bác vẫn nắm chặt tay kéo tôi thật mạnh đánh một vòng vừa vặn đáp xuống mũi ghe. Sẽ thế nào nếu tôi rơi xuống sát đáy ghe, hoặc khiến cho bác tôi mất thằng bằng cũng rơi theo! Nhiều sự việc khác sau này giúp tôi hiểu rằng, mạnh mẽ và tinh tế vẫn có thể đi đôi với nhau, dù hiếm thấy, như bác tôi!
Viết cuối một ngày sinh nhật bình yên trên đất khách!
Thứ Tư, 11 tháng 3, 2009
Thứ sáu ngày 13
Phương Tây quan niệm đây là ngày xui rủi. Nhiều thống kê khắp nơi chứng minh cho quan niệm này. Thế nhưng tại sao phải là thứ Sáu ngày 13, mà không là thứ Năm ngày 13, hay thứ Bảy ngày 13?
Trong một chu kỳ trọn vẹn của dương lịch là 400 năm, xác suất để xảy ra ngày 13 có rơi đều vào các ngày trong tuần hay không? Đoạn code sau đây trên Matlab của tác giả Clever Moler sẽ cho ta biết một kết quả thú vị, và phần nào lý giải cho quan niệm trên.
c = zeros(1,7);
for y = 1:400
for m = 1:12
d = datenum([y,m,13]);
w = weekday(d);
c(w) = c(w) + 1;
end
end
c
bar(c)
axis([0 8 680 690])
set(gca,'xticklabel',{'CN',T2','T3','T4','T5',T6','T7'})
Nào, còn chần chừ chi mà không thử nhỉ!
P.S:
Tính ra thì trong 100 năm của đời mình, thì ngày sinh của mình được phân bố khá đều: nhiều nhất (15 lần) vào thứ 2, 4, 6; kế đến (14 lần) vào T5, 7 và CN. Có 13 lần rơi vào ngày T3.
Thứ Bảy, 28 tháng 2, 2009
No Country for Old Man - Break Scences
Đi vòng ra sau thì anh ta thấy sau xe là lượng ma túy rất lớn, chỉ vậy thôi và người xem phải tự suy đoán rằng đã có 1 cuộc trao dổi ma túy ở thung lũng đó có nổ súng xảy ra, tất nhiên đã có ma túy là phải có vật trao đổi là tiền. Mà tiền không có ở đây nghĩa là 1 tên nào đó đã vác tiền chạy đi, lượng người chết ở đây nhiều có thể tên cầm tiền đó cũng bị thương (riêng đoạn này đã khiến khán giả phải nghĩ 1 loạt như vậy khiến ai thích film mì ăn liền chả hiểu là phải).
Với suy đoán như thế anh thợ săn đi tìm tiếp anh ta tự nói với mình "nếu là ta thì phải tìm 1 bóng mát nào đó để nghỉ giữa vùng đất khô cằn này". Và suy luận của anh ta đã đúng ở đằng xa theo huớng ống nhòm có 1 cái cây và dưới gốc cây có 1 người đang dựa lưng vào đó.
Nếu những film khác thì anh này đã cầm súng đi thẳng tới gốc cây rồi, nhưng như vậy thì đâu có gì hay. Nhân vật của chúng ta lại làm 1 động tác khiến người xem phải suy đoán, anh ta ngồi thụp xuống giơ đồng hồ lên, một lúc sau anh ta lại xem đồng hồ rồi giơ ống nhòm lên xem, lần này anh ta mới quyết dịnh đi tới gốc cây.
Tại sao anh ta lại làm như vậy, ta có thể hiểu rằng anh ta cực kỳ cẩn trọng anh ta xem đồng hồ và ngồi chờ canh thời gian đủ lâu khi xem lại vẫn thấy tên kia không động đậy gì nghĩa là hắn đã bị thương nặng hoặc chết. Một tiểu tiết nhỏ nhưng thể hiện sự khôn ngoan của con người và cách làm film tuyệt hay của đạo diễn.
Thứ nhất giải đáp cho cái chết của anh thợ săn:
- Ông này chết bởi bọn Mexico (bởi đi theo hắn không chỉ mình tên Chigur), đề nghị bạn nào có film đó rồi thì xem lại đoạn đó, lúc thằng cha thợ săn dừng lại ở bể bơi với 1 cô gái, có thể đoán là họ cùng vào nhà nghỉ, và lúc vào nhà nghỉ cũng là lúc hắn toi đời bởi bọn Mexico. Có thể thấy lúc người nhà nghỉ rú lên thì thấy 1 bọn Mexico nhẩy vội vàng lên xe rời khỏi khu nhà đó. Theo tôi chỉ có cách lý giải này là hợp lý vì film nó cũng chỉ có vậy.
Thứ hai về tiền: không thấy nói đến ở đoạn kết film, vì nếu chigur mà nó biết tiền ở đâu thì nó đã mò đi tìm không phải đến nhà của vợ anh thợ săn mà hỏi. Cũng không thấy nói bọn Mexico có lấy được tiền hay không.
Nhưng tóm lại theo tôi bộ film này có ý nghĩa như sau, tất cả con người đang bị xoáy theo đồng tiền bất kể tầng lớp nào, độ tuổi nào, bất kể tiền sạch hay tiền bẩn, bất kể người đối diện có bị khốn khổ thế nào, con người ta đã mất hêt tình người và chỉ có 1 chữ tiền hiện lên trước mắt. Có thể thấy rõ qua vài trường đoạn:
1. Lúc anh thợ săn bị thương cần áo và đưa tiền, và anh ta đòi luôn chai bia thì thằng bạn "vòi tiền" luôn là "bao nhiêu". Cái này thể hiện được sự tham lam đến độc ác của con người với tiền, lợi dụng cả hoàn cảnh nguy khốn của người khác để kiếm chác.
2. Lúc anh thợ săn bị thương và vừa tỉnh dậy 1 nhóm nhạc công Mexico đến đánh đàn, anh ta cho tiền, đồng tiền dính máu nhưng mấy nhạc công vẫn cầm "như thường". Cái này chắc chẳn cần giải thích các bạn cũng hiểu.
3. Lúc chigur bị đam xe và đưa tiền cho 2 chú nhóc, đầu tiên thì bảo không lấy tiền. Nhưng lúc chigur đi rồi ta nghe thấy 2 chú nhóc chí chóe tranh dành nhau vì khoản tiền lấy được từ "tai nạn" của người khác.
4. Vật sử dụng ưa thích của chigur là 1 đồng xu, và đồng xu cũng là tiền.
5. No contry for old man cái tít này ứng vào lão sherif một ông già biết được mọi việc phân tích được mọi việc (thấy rõ qua cảnh ông ta phân tích tình huống rất logic và qua cảnh ông ta ngồi đúng vào ghế của chigur nhìn vào màn hình tivi cũng ở góc độ của chigur) nhưng "quá già" (old man) để làm một việc gì đó ngăn chặn tội ác.
No Country For Old Men - Comments
Bắt được 1 đoạn bình luận khá thú vị trên mạng.
Trích đoạn cuối: Nói cho chính xác, No Country For Old Men không phải là phim kén người xem mà chỉ kén người cảm nhận được hết cái hay của nó. Nếu bạn là người thích những phim kinh điển hoặc sâu sắc, đây là phim không thể bỏ qua. Nếu bạn xem phim chỉ để giải trí thì nên quên phim này đi là vừa. Còn với những người còn lại thì bỏ ra hai tiếng để xem một bộ phim đứng đến thứ 23 trong 250 phim hay nhất mọi thời đại của IMDB thì cũng không phải là lãng phí...
Bạn biết gì về No Country For Old Men nhỉ? Đấy là bộ phim được để cử nhiều giải thưởng điện ảnh và là người chiến thắng tại Oscar lần thứ 80. Như vậy chắc chắn rằng nó phải có cái gì xuất sắc mà nếu bạn xem phim không nhận thấy được thì... chậc, coi như bạn thuộc số đông - những người xem phim để giải trí.
Bạn còn biết gì nữa? Doanh thu của phim chỉ có 44 triệu USD. Đây hẳn phải là phim rất kén người xem. Thế nên trước khi xem tôi đã chuẩn bị sẵn tâm lý cố theo dõi một bộ phim buồn ngủ từ đầu chí cuối để rồi nửa đêm tình giấc mới phát hiện ra cái hay của nó. Xin báo cáo là kết quả hoàn toàn ngược lại. Bộ phim cuốn hút từ đầu đến cuối nhưng tôi suy nghĩ đến mấy đêm rồi vẫn không hiểu nổi nó nói cái gì. Thôi thì chấp nhận mình thuộc số đông.
Bộ phim bắt đầu bằng lời dẫn chuyện với giọng của Tommy Lee Jones, kể về một tên sát nhân thiếu niên, kẻ đã sát hại cô bạn gái 14 tuổi của mình. Báo chí nói rằng hắn bị cuồng sát nhưng "hắn nói với tôi rằng hắn chả thấy thích thú gì việc giết người mà hắn sinh ra là để giết người. Hắn sẽ giết người đến khi nào hắn còn tồn tại. Nếu tôi thả hắn ra, hắn sẽ lại tiếp tục giết thêm người nữa...". Bộ phim là câu chuyện về tên sát nhân không ghê tay và con mồi của hắn.
Tên hắn là Anton Chigurh (Javier Bardem). Đó là một kẻ cao, gầy, dáng đi lừ đừ và có nụ cười của thần chết. Không giết người để vui, cũng không mang cái vẻ lạnh như băng của một sát thủ, hắn giết người một cách điềm tĩnh và thản nhiên như chúng ta ăn cơm thường ngày vậy. Gặp hắn, đừng nghĩ đến chuyện thương lượng hay van xin, chỉ có thần may mắn mới giúp bạn thoát chết. Anton là một thứ chưa từng tồn tại trên Trái Đất trước đây, là sự tuyệt đối hóa những gì xấu xa nhất của con người lên một nhân vật. Kể từ thời Hannibal Lecter (Anthony Hopkins) trong The Silence Of The Lambs, người xem mới thấy lại một nhân nhật vật phản diện độc ác và thú vị đến vậy trên màn bạc.
Con chuột của Anton là Llewelyn Moss, người đàn ông nghèo đã may mắn đến được hiện trường của một vụ đấu súng đẫm máu giữa những kẻ buôn bán ma túy, nơi còn lại những xác chết của người và chó, chiếc xe đầy hàng trắng và cái cặp chứa 2 triệu USD. Lấy cái cặp nhưng lại quá thiếu khôn ngoan khi quay trở lại hiện trường để đưa nước cho một kẻ hấp hối, Llewelyn Moss bị tên giết người Anton và cả tá những kẻ buôn ma túy truy đuổi. Cuộc chơi mèo vờn chuột diễn ra từ khách sạn này đến khách sạn khác, từ căn phòng này sang căn phòng khác, bỏ lại phía sau bao nhiêu xác chết của những kẻ hám tiền và cả những viên lễ tân vô tội không may gặp phải Anton...
No Country For Old Men gây ấn tượng ở những cảnh lẩn trốn rượt bắt hồi hộp và rùng rợn, những câu thoại ngắn gọn thông minh và cả nhân vật sát thủ Anton Chigurh. Vai diễn này đã mang lại cho Javier Bordem giải Nam diễn viên phụ xuất sắc ở cả Critics Choice Award và Quả cầu vàng và mới nhất, một bức tượng Oscar vào đêm 24/2 vừa qua.