Thứ Năm, 30 tháng 10, 2008

Em Thủy Top đủ tiêu chuẩn lái xe tăng

Vẫn chỉ là một hư chiêu, nhưng bài viết này thì thú vị. Mượn từ blog Bố cu Hưng.

===================

Hàng loạt nhân viên công sở ở các đô thị lớn sẽ bị sa thải. Lý do là chồng làm việc phía đông, vợ làm việc phía tây thành phố nên không thể đưa đón, xe bus thì kẹt liên tục. Các cơ quan sẽ sa thải nhân viên nữ vì bê trễ.

Cảnh sát giao thông ra đường sẽ mang theo thước dây. Theo quy trình tuần tra kiểm soát do Bộ Công an ban hành, CSGT được quyền chặn dừng khi nghi ngờ hoặc phát hiện yếu tố lỗi hiện hữu. Và như vậy nếu CSGT thấy một cô vú lép, họ sẽ chặn lại vì nghi ngờ không có bằng lái. Nếu cố ấy xuất trình bằng lái, các anh có quyền tiếp tục đo vòng ngực và từ đó phát hiện ra giấy phép lái xe ấy là giả vì cô này vòng 1 dưới 72cm, không đủ tiêu chuẩn cấp bằng..

Mà muốn đo, chắc không ai tính đến phụ liệu độn, như vậy để kết luận về yếu tố lỗi, người điều khiển phương tiện giao thống có thể phải cởi áo cho CSGT đo ngực.

Phụ nữ ngực lép đã mặc cảm, bị phạt vì ngực lép thì còn bi kịch hơn. Chưa kể nhằm vận động giáo dục công chức, nhiều địa phương hiện nay còn gửi giấy phạt về cơ quan. Như vậy nhiều cô gái, hoặc các chị các bà sẽ bị phê bình vì chạy xe mà không có bằng, không có bằng thì do ngực nhỏ. Khi bị kỷ luật vì vi phạm luật giao thông, họ sẽ ghi vào lý lịch lý do bị kỷ luật là... vú lép.

Kế nữa, thông thường khi đo vòng ngực người ta vòng thước dây qua hai chỏm ngực, nhưng những cô lớn tuổi hoặc bẩm sinh... mướp, bị chảy sệ, nếu vòng qua hai chỏm thì dư, mà đo ngay vòng ngực thì lại dưới 72cm. Do đó sẽ tốn khá nhiều giấy mực để làm công văn hướng dẫn, tổ chức các buổi tập huấn cho CSGT và lực lượng liên quan về vấn đề chỏm chiếc này.

Thông tin sức khỏe, số đo thể hình là phạm trù đời tư cá nhân. Do đó hàng loạt quý bà quý cô sẽ khởi kiện CSGT và cơ quan Y tế ra tòa vì công bố số đo, xâm phạm bí mật đời tư của họ.

Sẽ tốn một đống giấy tờ để giải thích cho các trường hợp cá biệt. Chẳng hạn một cô có giấy phép lái xe hợp lệ, sau đó bị ung thư vú phải cắt bỏ, CSGT đo dưới chuẩn bèn phạt thì tính sao?

Một loạt phụ nữ mất việc vì không thể chạy xe đi làm. Gia đình túng bấn sinh ra xào xáo, lý do ly hôn: vú nhỏ, vòng ngực dưới 72 cm nên mất việc làm, chồng chê.

Đám thanh niên từ đây khi đi ngang một cô gái sẽ bình phẩm: đủ tiêu chuẩn đi xe máy. Còn nếu ngồi quán nước thì sẽ chỉ trỏ vào phụ nữ đi đường mà rằng nàng này vú vê không đến nỗi, vì nàng chạy xe trên 50 cc.

Đàn ông như thi sĩ Đỗ Trung Quân cũng bi kịch. Thử nghĩ ngày nào đó anh chàng Kwan của chúng ta đứng ở ngã tư mà cởi áo cho CSGT đo ngực (anh này mình hạc xương mai mà).

Một số cô gái không có bằng lái nhưng muốn chạy xe, khi ra đường sẽ phải độn cho CSGT khỏi nghi ngờ. Đây là cơ hội hốt bạc của các hãng sản xuất đồ lót phụ nữ, những cơ sở sản xuất mút xốp. Ở các chợ quê, có hẳn những cửa hàng bán vải vụn, đắt như tôm tươi. Lý do là dân quê nghèo nên sẽ mua vải vụn về độn ngực khi cần đi đâu đó bằng xe máy.

Những cô bé mới 15, 16, vú chỏm cau bây giờ trở nên dạn dĩ, sẵn sàng ngồi lên xe cho bạn trai chở đi ăn chè. Lý do được các em ỏn ẻn giải thích: “Lẽ ra em hổng cho anh chở đâu, em muốn tự chạy xe nhưng tại vì vú em nhỏ!”.

Báo chí khi nói về em Thủy Top, sẽ bảo rằng em đủ tiêu chuẩn lái... xe tăng.

Một chàng trai có cùng lúc hai cô bồ, muốn chọn một cô làm vợ. Bèn nghĩ nhà mình khó khăn, cưới vợ về thì vợ cũng phải đi làm mới đủ sống. Thế rồi chàng tắc lưỡi chọn em vú bự.

Hồi đó mới xử phạt vi phạm không đội mũ bảo hiểm trên một số tuyến đường bắt buộc, cứ gần đến chốt cảnh sát là có hàng loạt điểm cho thuê mũ. Nay, rất có thể cứ gần chốt cảnh sát, chúng ta sẽ thấy những anh cò mồi cầm trên tay một mớ xú chiêng. Cạnh đó là cái bảng: tại đây cho thuê nịt vú trên 72 cm.

Dù sao thì quy định này cũng phải trình chính phủ trước khi ban hành, ra công báo và có hiệu lực. Mà hễ trình thì phải bàn bạc, tranh luận để xem có thông qua hay không.

Bài báo tường thuật phiên họp ấy, rất có thể các báo sẽ chạy một cái tít rất báo chí là: “VÚ TRÊN BÀN NGHỊ SỰ”


Thứ Hai, 27 tháng 10, 2008

Tiếu lâm ngọt: đi săn quái thú

Săn được 'quái thú'

Ba gã thợ săn có một ngày đi săn tệ hại khi không rình được con mồi nào. Hôm sau, gã thứ nhất quyết định tách nhóm và vào sâu trong rừng một mình.

Hai tiếng sau, gã trở về với một con cáo trên vai và nói với 2 gã kia giọng đầy tự hào:

- Tao phát hiện một cái hang nhỏ. Rình trước cửa hang một lúc rồi hạ được con cáo này.

Gã thứ hai thích thú tách nhóm đi vào sâu trong rừng. Bốn tiếng sau, gã trở về với một con gấu nhỏ trên vai.

- Tao cũng phát hiện một cái hang khá rộng. Rình trước cửa hang rồi săn được con gấu này. Quả là một ngày may mắn.

Gã thứ 3 phấn khích cũng quyết định vào rừng một mình để không thua kém bạn. Đến chiều tối vẫn không thấy gã quay lại. Hai người còn lại quyết định bỏ về.

Vài ngày sau, hai người cùng đến nhà thăm gã thứ ba và bất ngờ khi thấy toàn thân gã bó bột, tàn tạ trên giường. Gã thều thào:

- Hôm đấy, tao.. tao cũng phát hiện ra một cái hang to... to khủng khiếp... Tao cũng... cũng rình trước cửa hang...

- Rồi sao nữa? Kịch chiến với con quái thú hả? - Hai người bạn hồi hộp hỏi dồn.

- ... Kh... không... ng... nguyên con tàu hoả tr... trong hang chạy ra...

Thứ Sáu, 24 tháng 10, 2008

Yêu người ngóng núi...

Bạn cũ ngồi than thở, nói ghét Sài Gòn lắm, chán Sài Gòn lắm, trời ơi, thèm ngồi giữa rơm rạ quê nhà lắm, nhớ Bé Năm Bé Chín lắm. Lần nào gặp nhau thì cũng nói nội dung đó, có lúc người nghe bực quá bèn hỏi vặt vẹo, nhớ sao không về. Bạn tròn mắt, về sao được, con cái học hành ở đây, công việc ở đây, miếng ăn ở đây.

Nghĩ, thương thành phố, thấy thành phố sao giống cô vợ dại dột, sống với anh chồng thẳng thừng tôi không yêu cô, nhưng rồi đến bữa cơm, anh ta lại về nhà với vẻ mặt quạu đeo, đói meo, vợ vẫn mỉm cười dọn lên những món ăn ngon nhất mà cô có. Vừa ăn chồng vừa nói tôi không yêu cô. Ăn no anh chồng vẫn nói tôi không yêu cô. Cô nàng mù quáng chỉ thản nhiên mỉm cười, lo toan nấu nướng cho bữa chiều, bữa tối.

Bằng cách đó, thành phố yêu anh. Phố cũng không cần anh đáp lại tình yêu, không cần tìm cách xóa sạch đi quá khứ, bởi cũng chẳng cách nào người ta quên bỏ được thời thơ ấu, mối tình đầu. Của rạ của rơm, của khói đốt đồng, vườn cau, rặng bần… bên mé rạch. Lũ cá rúc vào những cái vũng nước quánh đi dưới nắng. Bầy chim trao trảo lao xao kêu quanh quầy chuối chín cây. Ai đó cất tiếng gọi trẻ con về bữa cơm chiều, chén đũa khua trong cái mùi thơm quặn của nồi kho quẹt. Xao động đến từng chi tiết nhỏ.

Quê luôn ngọt như vị đường mía ngày xưa anh hay lén má giở nắp hủ lấy ngón tay chấm mút. Cả cái nghèo ngày đó cũng chẳng đến nỗi quắt quay, không có bánh kẹo ngon thì cây trái đã sẵn giành. Không có đồ chơi đẹp nhưng đã có thiên đường đồng bãi cho trẻ con chạy nhảy. Cho đến ngày anh đi khỏi, quê vẫn chưa làm anh tổn thương, hờn giận chút nào.

Nên trong anh còn nguyên vùng ký ức ngọt ngào và đằm thắm, mộng mị và êm đềm. Thành phố biết hết, nhưng thành phố không buồn tủi, dù nó chật và ngột ngạt, bức bối trong khoảng không nhỏ hẹp mịt mù khói bụi. Yêu anh, chấp nhận anh nghĩa là phố chấp nhận mình sẽ mất thêm một phần duyên dáng ít ỏi còn lại. Thêm rác, thêm bụi, thêm một chỗ ngồi, thêm một hơi thở…Chật chội hơn, ồn ả hơn, chen chúc hơn. Những ngày Tết, phố đẹp, thanh thản và nhàn tản nhất, thì anh lại không nhìn thấy, anh đã hớn hở sum vầy với quê.

Đón anh trở lại, vẫn là một nhan sắc mệt mỏi nhưng khao khát sống và yêu. Những lúc anh chán chường, thành phố xấu xí ngồi vỉa hè nướng những củ khoai thơm, trồng vài bụi chuối, hàng cau, qua một quán cafe nào, thấy bày biện những khung dệt chiếu, chiếc xuồng con, cái gàu dai, cây rơm nhỏ… Đôi lúc ở một góc đường, anh gặp bầy cào cào, chim sẻ thắt bằng lá dừa non. Đôi lúc ngang qua ngã tư, có bà già đầu đội khăn rằn xách cái bị bàng luống cuống trước dòng xe xuôi ngược. Không có tham vọng biến mình thành một chốn quê, nhưng thành phố đủ rộng lượng để anh công khai sự hoài nhớ của mình.

Và hồn nhiên sống như một người vọng núi kia núi nọ. Hàng me trút lá bên đường khiến anh nhớ mấy cây me già ở quê, giờ chắc thôi ra trái. Ánh đèn đường làm anh nhớ ngọn đuốc lá dừa cháy rập rờn những khuya tan hát ra về. Qua cầu anh nhớ sông quê. Cái kẹp tóc của cô vợ phố làm anh nhớ những mái tóc thả dài xuống tận thắt lưng xưa. Nhìn nhan sắc này để nhớ về một nhan sắc khác.

Mà anh thì cũng không chắc là miền nhớ còn nguyên nỗi quay quắt trong lòng. Anh có thật sự nhớ hay chỉ là cảm giác mặc cảm mình đã phụ rẫy, đã chạy trốn mà anh buột miệng nói nhớ cho quê đỡ tủi, cho mình đỡ thấy áy náy, như một niềm an ủi gửi lại nơi chân trần xối nắng. Má anh, Bé Ba Bé Sáu vẫn còn ở đó, mà anh bảo là không nhớ thì anh tệ. Anh có thật sự nhớ hay chỉ muốn giữ một lời hứa vu vơ hồi thẹn thò nhón ngón tay cô em nào ở bên rào, “làm gì làm tôi cũng không quên em đâu. Thiệt, tui thề…”. Có phải vì hình bóng quê quá sống động trong trẻo nên anh không thể yêu thành phố ?

Bởi thành phố có gì đáng yêu đâu, ngay cả lúc dịu dàng nền nả nhất, thành phố lúc nửa đêm cũng không ngọt ngào như hoa nắng rụng lẫn trong hoa dừa rụng. Có lẽ thành phố xấu xí từ trước khi anh tới, và sau đó vì yêu anh mà xấu xí hơn. Những con đường nghẹn vì người đông. Những dòng sông nghẹn vì rác rưỡi. Những ngọn gió nghẹn vì khói bụi. Những ban mai nghẹn trong tiếng còi xe. Bầu trời nghẹn vì những khối nhà cứng nhắc và khô khốc. Va chạm và cãi vã. Chen chúc và cáu kỉnh.

Anh không thể yêu một cô vợ chỉ biết nấu ăn và giặt giũ, anh tìm kiếm một tâm hồn. Nhưng thành phố đã bày tỏ ngay khi anh mới gặp lần đầu, một tâm hồn rộng lượng, bao dung. Yêu cho đi mà không đòi hỏi nhận lại.

Đó chẳng phải là một vẻ đẹp sao, không đáng yêu, không đáng được đáp lời sao ?

=========

Sorry không báo trước, bài này không phải mình viết. Mà là của một nhà văn, theo đánh giá của mình, tài năng nhất hiện nay của Việt Nam.