Thứ Ba, 17 tháng 3, 2009

Entry for March 16, 2009

DSC00012

Một bài báo nhìn bàng quan không có gì đặc biệt cho lắm, nhưng với tôi thì lại rất đặc biệt. Bởi một lẽ đơn giản thứ nhất, nhân vật được nói đến trong bài, chính là bà nội tôi. Bởi một lẽ đơn giản thứ hai, tác giả chính là người bác đầy kính mến của tôi. Lại bởi lẽ đơn giản thứ ba, tôi từng nghe bác kể nhiều lần không khác gì nội dung bài báo này; nên tuy chỉ là bút danh, nhưng tôi mường tượng ra ngay trước mắt những gì bác kể!

Chỉ riêng việc nội tôi đã sinh đến 12 người con, trong một bối cảnh chăm sóc y tế lạc hậu của nhiều chục năm trước, cũng đã là biết bao công khó mà thời nay không thể nào tưởng tượng nổi. 17 năm dài chống chọi lại bệnh tiểu đường cũng là một nghị lực phi thường khi phải thường trực một chế độ kiêng khem khắc nghiệt với thật ít cơm, và nhiều thuốc tây. Nhiều lần chứng kiến ba tôi tự dày vò bản thân vì bất lực khi nội tôi vướng phải căn bệnh ngặt nghèo, tôi biết tấm tình của ông yêu thương bà vô hạn. Một người tư duy sâu sắc và ít biểu lộ cảm xúc như ông, thì niềm đau càng nhân lên nữa. Những lúc ấy tôi cũng thấy mình bất lực và vô dụng, chỉ biết đành nhìn ông ngồi bất động trong bóng tối. Hàng giờ!

Cảm ơn bác tôi đã dành cho ba tôi, các cô chú và chúng tôi một món quà cảm động. Bác đã cùng chia sẻ với ba tôi một thời thơ ấu, và trong ký ức tuổi thơ tôi cũng có dấu ấn của bác.

Đêm hôm đó nhận được tin bà cố tôi mất, đây là bà ngoại của ba tôi, hay chính là mẹ của bà nội tôi. Tàu xe giai đoạn ấy rất hiếm, và không chạy đêm. Tôi theo ba tôi ra bến Bình Đông xuôi ghe dọc dòng kênh đôi về quê thọ tang. Nước ròng nên ghe đậu cách bờ một quãng xa. Một tấm ván từ trên bến dốc dài xuống ghe cho khách đi. Bác nắm tay dẫn tôi đi, tấm ván võng xuống theo nhịp bước của hàng người, lòng sông trơ đáy bùn đen sâu hoắm. Tôi rất sợ nên khi vừa gần đến mép ghe lấy sức nhảy một bước dài, nhưng khi đã nhảy khỏi ván, tôi hiểu rằng ghe vẫn còn …xa!

Vừa may bác vẫn nắm chặt tay kéo tôi thật mạnh đánh một vòng vừa vặn đáp xuống mũi ghe. Sẽ thế nào nếu tôi rơi xuống sát đáy ghe, hoặc khiến cho bác tôi mất thằng bằng cũng rơi theo! Nhiều sự việc khác sau này giúp tôi hiểu rằng, mạnh mẽ và tinh tế vẫn có thể đi đôi với nhau, dù hiếm thấy, như bác tôi!

Viết cuối một ngày sinh nhật bình yên trên đất khách!


Thứ Tư, 11 tháng 3, 2009

Thứ sáu ngày 13




Phương Tây quan niệm đây là ngày xui rủi. Nhiều thống kê khắp nơi chứng minh cho quan niệm này. Thế nhưng tại sao phải là thứ Sáu ngày 13, mà không là thứ Năm ngày 13, hay thứ Bảy ngày 13?

Trong một chu kỳ trọn vẹn của dương lịch là 400 năm, xác suất để xảy ra ngày 13 có rơi đều vào các ngày trong tuần hay không? Đoạn code sau đây trên Matlab của tác giả Clever Moler sẽ cho ta biết một kết quả thú vị, và phần nào lý giải cho quan niệm trên.

c = zeros(1,7);
for y = 1:400
for m = 1:12
d = datenum([y,m,13]);
w = weekday(d);
c(w) = c(w) + 1;
end
end
c
bar(c)
axis([0 8 680 690])
set(gca,'xticklabel',{'CN',T2','T3','T4','T5',T6','T7'})

Nào, còn chần chừ chi mà không thử nhỉ!

P.S:
Tính ra thì trong 100 năm của đời mình, thì ngày sinh của mình được phân bố khá đều: nhiều nhất (15 lần) vào thứ 2, 4, 6; kế đến (14 lần) vào T5, 7 và CN. Có 13 lần rơi vào ngày T3.