ôi biết Đãng có tài từ khi phát hiện ra anh có nhiều điểm giống tôi. Cả hai đều không thuốc lá, không rượu chè, không bài bạc, gái gú cũng gần như không.
Đến giờ phút này, hình như chả ai biết Đãng ở đâu, sống với ai và không sống với ai. Anh chỉ có một cái số di động là hết. Sẽ chả có gì ngạc nhiên nếu một ngày kia ta gặp Vũ Ngọc Đãng trong hang đá hoặc trong khách sạn năm sao vì anh có đầy đủ phẩm chất để “quàu” hai chỗ đó.
Tất cả các đạo diễn nổi tiếng, ngay từ khi đi học, phải lóe lên một cái gì quái đản. Tôi nghĩ thế và tin chắc thế. Nghề đạo diễn không phải nghề chủ nhà băng, có thể đi từ không xu đến tỷ phú. Đạo diễn cần tín hiệu.
Vũ Ngọc Đãng qua nét cọ của họa sĩ Còm |
Điều khiển động vật cực kỳ khó. Nước Pháp có đạo diễn Giăng Jac Hé-lô làm phim “Con gấu” còn Việt Nam có Vũ Ngọc Đãng làm phim “Chuột”. Sau khi Đãng thành công, nhiều kẻ ghen ghét mong có ngày anh dại dột làm phim “Cọp” và bị nó xơi.
Phim của Đãng giống như con người Đãng, tràn ngập sự trẻ con và ngây thơ (phim của tôi giống hệt con người tôi, tràn ngập sự ranh ma và quỷ quyệt). Đãng tin vào sự ngây thơ trong lòng người xem và quyết tâm khai thác nó đến cùng. Anh thật thông minh, vì nếu khai thác trí tuệ của khán giả, nó sẽ cạn kiệt nhanh.
Nhiều đạo diễn Việt Nam cũng biết ngây thơ trong sáng là một vùng đất béo bở, nhưng khi làm thất bại vì họ giả nai. Đãng không thế, anh chính là con nai giả con nai già.
Giống cô bán sách không biết chữ, Đãng có thể bán nhiều thứ mà anh không có. Anh tưởng tượng ra và thiên hạ vẫn mua. Toàn bộ bí quyết của người đạo diễn chính là chỗ đấy.
Anh Thư và Vũ Ngọc Đãng |
Theo tôi, Đãng yếu về kịch tính. Nhưng có lẽ anh chả quan tâm tới nó. Đối với Đãng, cái quan trọng nhất của nhân vật là tâm trạng. Phim của Đãng sẽ tuyệt trong các khúc chia tay, khúc tưởng nhớ, khúc nhìn nhau. Phim của Đãng sẽ chán trong các khúc giết nhau, đâm nhau hoặc chặt nhau ra làm nhiều mảnh. Nếu Đãng làm phim chiến tranh, quân ta không cần xông lên, chỉ cần tắm suối và hái hoa là quân địch đầu hàng.
Gần như tất cả các đạo diễn Việt Nam học trong nước đều không được đào tạo bài bản. Họ cũng mau chóng phát hiện ra Điện ảnh là một vùng đất hoang dã và cách xử sự như thợ săn là cách tiện lợi nhất. Các thợ này săn kinh phí nhà nước, săn danh tiếng qua những giải thưởng khả thi, săn diễn viên và săn chức vụ.
Vũ Ngọc Đãng không thế. Anh để các con vật săn mình, bắt mình về sau đó làm cho chúng khóc, khiến chúng thả anh ra. Quá trình ấy có bán vé.
Nhìn bề ngoài Đãng cực kỳ đẹp trai. Anh thường mở to cặp mắt đen láy, ngơ ngác nhìn xung quanh và hỏi “tại sao vậy nhỉ?” Nếu Đãng bước vào một nhà băng, cầm cục tiền lên và vui vẻ hỏi cô thủ quỹ “lấy được không?” Tôi tin chắc cô ta cũng gật đầu và đạo diễn Vũ Ngọc Đãng cũng bẽn lẽn mang ra!
Thằng cha Vũ Ngọc Đãng còn giống thằng cha Lê Hoàng ở chỗ không buồn nghĩ đến giải Oscar. Hai đứa nhất trí dành niềm mơ mộng đó cho các đạo diễn lớn vốn nhan nhản ở nước mình, những đạo diễn mà mỗi bộ phim nghệ thuật mà người xem có nhiệm vụ phải học để hiểu, còn nếu cứ mãi mãi không hiểu thì chỉ nên tự trách mình. Đãng không cao quý thế. Anh tuyên bố làm phim cho nông dân xem và nếu nông dân đi xem có rủ theo phó nông dân anh cũng vui lòng.
Đãng còn có một điểm giống Trương Nghệ Mưu. Đạo diễn Trung Quốc này từng phát biểu “Những ai lấy tiền của kẻ khác để làm ra các tác phẩm thử nghiệm cho mình là vô đạo đức”. Một đạo diễn chân chính phải biết tùy vào kinh phí và mục đích của nhà sản xuất để chế tạo phim. Đãng biết tiêu tiền của kẻ khác, một phẩm chất khá hiếm hiện nay.
Nhưng cũng chớ tưởng Đãng dễ tính và phổi bò. Anh rất hay giận dỗi, thậm chí có thể giận dỗi mà chả hiểu vì sao. Đãng nhạy cảm ở nhiều khu vực, về lý thuyết là không cần nhạy cảm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét